Mặc dù thừa nhận kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi, song TS. Trần Du Lịch cho rằng sức phục hồi của nền kinh tế yếu, việc Việt Nam tăng trưởng kinh tế trên 6%/năm là bình thường và không nên vui vội. Theo ông, để nền kinh tế phát triển bền vững, cần phải đẩy mạnh cải cách để tháo gỡ những vướng mắc về mặt thể chế.

 

 

Khó khăn sẽ tạo sức ép để Chính phủ, DN phải đổi mới, phải hành động để thoát khỏi khủng hoảng. Ảnh: Internet.

Sức phục hồi còn yếu

Tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015, một trong những nội dung được nhiều chuyên gia kinh tế bàn luận chính là việc nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi, song sự phục hồi đó theo các chuyên gia là chưa bền vững.

Theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phân tích cả chu kỳ tăng trưởng 2005-2014 cho thấy, giai đoạn suy giảm kinh tế của Việt Nam bắt đầu từ 2006 (khi tăng trưởng kinh tế đạt 8,2%) và chạm đáy vào năm 2012 (tăng trưởng đạt 5,25%) do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu và sự bất ổn vĩ mô của nền kinh tế trong nước.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Chí Hải, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM) cho rằng, từ đầu thập niên 1990 đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua ba thời đoạn suy giảm tăng trưởng, đó là: 1998 - 1999;  2008 - 2009 và 2011 - 2013.

Nếu như hai đợt suy giảm tăng trưởng trước là do nền kinh tế Việt Nam chịu tác động mạnh từ các cuộc khủng hoảng kinh tế từ bên ngoài, thì đợt suy giảm tăng trưởng kinh tế kể từ năm 2011 chủ yếu xuất phát từ nội tại nền kinh tế, mà những yếu kém, bất cập đã được  nhiều nghiên cứu chỉ rõ.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt tỷ lệ thấp nhất là năm 2012. Sang năm 2013, GDP tăng nhẹ ở mức 5,42% và  năm 2014  đạt 5,98%. Như vậy năm 2012 nền kinh tế đã “chạm đáy” của đà suy giảm và kéo dài cho đến cuối 2013, sau đó có dấu hiệu hồi phục khá rõ năm 2014.

Mặc dù thừa nhận kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi, song TS. Trần Du Lịch cho rằng sức phục hồi của nền kinh tế yếu, việc Việt Nam tăng trưởng kinh tế trên 6%/năm là bình thường và không nên vui vội. Theo ông, để nền kinh tế phát triển bền vững, cần phải đẩy mạnh cải cách để tháo gỡ những vướng mắc về mặt thể chế.

Đồng tình với quan điểm này, trong bản tham luận gửi tới Diễn đàn, TS Lê Việt Đức đánh giá chung về kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2014 là “ổn định về lượng, trì trệ về chất, chưa rõ tương lai”.

Phải nỗ lực

Theo TS Lê Việt Đức, nhìn bức tranh tổng thể kinh tế vĩ mô năm 2014, có thể khẳng định nền kinh tế tiếp tục có những tiến bộ nhất định và quan trọng hơn, đang đi đúng hướng mặc dù bước đi còn rất chậm và chưa ổn định. Đối với một nền kinh tế mới thoát khỏi ngưỡng nước nghèo chưa lâu, trong điều kiện cơ cấu kinh tế vĩ mô mất cân đối nghiêm trọng kéo dài, đạt được những thành tựu vĩ mô nêu trên là rất đáng khích lệ.

“Những áp lực của hội nhập, cạnh tranh quốc tế và khu vực chắc chắn sẽ đòi hỏi Chính phủ cũng như từng DN, cá nhân phải hành động quyết liệt hơn. Những thuận lợi và khó khăn đan xen nhau và khó khăn cũng có mặt tích cực là tạo sức ép để phải đổi mới, phải hành động”, TS.Lê Việt Đức nhấn mạnh..

Xem xét nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn, bất cập và suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam những năm gần đây, PGS.TS Nguyễn Chí Hải cho rằng đó là do mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, dựa vào thâm dụng tài nguyên và vốn đã kéo dài quá lâu. Tuy nhiên, căn nguyên và nguồn gốc của những hạn chế, bất cập của nền kinh tế chính là do trình độ khoa học công nghệ (KHCN) còn thấp, năng suất lao động xã hội thấp, hiệu quả đầu tư của nền kinh tế có nhiều bất cập.

“Đây cũng chính là “gốc rễ” dẫn đến “vòng luẩn quẩn” nghèo đói, tình trạng mắc "bẫy thu nhập trung bình” ở nhiều nước đang phát triển, mà nền kinh tế Việt Nam hiện nay cũng không phải là một ngoại lệ “miễn nhiễm” các nguy cơ này”, PGS.TS Nguyễn Chí Hải nhận định.

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Hải, dự báo năm 2015, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và chỉ có thể lấy được đà tăng trưởng khả quan từ năm 2016 trở đi, nếu nền kinh tế có những cải cách sâu rộng hơn và môi trường kinh tế thế giới ổn định. Theo đó, dù lạc quan hay thận trọng, thì giải pháp cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới là phải đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất và hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhấn mạnh vai trò của việc phát triển khoa học công nghệ đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, PGS.TS Nguyễn Chí Hải  cho rằng “nhân tố quyết định để thực hiện mục tiêu này là phải có nỗ lực chung của cả DN và Chính phủ trong việc phát triển khoa học công nghệ, đưa khoa học công nghệ là động lực mạnh mẽ trong phát triển kinh tế của đất nước”.

Theo Báo Hải quan

Nhập hàng Trung Quốc / Order taobao / Đặt hàng Taobao,1688.com / Chuyển tiền Trung Quốc / Order hàng Taobao, 1688, tmall.com, nhập hàng Quảng Châu

Nguyễn Hoàng, Nam Từ Liêm, Hà Nội 

Hotline: 0829922216 - 0367445628