Mặt hàng mà Việt Nam nhập nhiều từ Trung Quốc là: máy móc, thiết bị chiếm 9 tỷ USD; linh kiện và phụ kiện điện thoại các loại 7 tỷ USD, vải và linh kiện điện tử đạt 5,2 tỷ USD. Đặc biệt, nhập khẩu sắt thép các loại từ Trung Quốc gia tăng nhanh chóng gần 4 tỷ USD.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2015, trong tổng kim ngạch nhập khẩu các thị trường của Việt Nam là 165,5 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc đã chiếm 30%. Đáng lo ngại, tốc độ nhập siêu từ Trung Quốc năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2015 nhập siêu của Việt Nam từ thị trường này 32,3 tỷ USD, tăng gần 4 tỷ USD so với năm 2014 và gần 9 tỷ USD so với năm 2013.
Tình trạng này khiến nhiều chuyên gia lo ngại kinh tế Việt Nam sẽ gặp bất lợi khi phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu đầu vào, máy móc từ Trung Quốc.
Bình luận về vấn đề này, GS Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Kinh tế Việt Nam cho rằng: Xu hướng nhập khẩu từ Trung Quốc không chỉ gia tăng về số lượng, giá trị mà còn mở rộng về quy mô.
“Nếu trước đây chúng ta chỉ nhập những mặt hàng trong nước không sản xuất được hoặc cung ứng thiếu thì nay chúng ta đã nhập cả những sản phẩm trong nước sản xuất được như: sắt thép, hoa quả, thực phẩm, may mặc với giá rẻ…Các công ty của chúng ta không thể cạnh tranh nổi về chi phí sản xuất lẫn giá sản phẩm”, ông Thái nói.
Đặc biệt, theo ông Thái việc nhập khẩu các thiết bị máy móc không những không giảm mà còn tăng lên, trong khi Việt Nam đã mở rộng đối tác bạn hàng với nhiều nước ASEAN. Nhưng các máy móc vẫn nhập phần lớn từ Trung Quốc. Các yếu tố giá rẻ, dễ dàng thanh toán hợp đồng đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chuộng nhập hàng của Trung Quốc.
Đứng trước thông tin này có nhiều ý kiến trái chiều nhưng đa phần là lý giải cho điều đó.
Một bạn chia sẻ " Các bạn thử mở một doanh nghiệp sản xuất đi, bất kỳ mặt hàng gì, các bạn sẽ thấy tại sao phải nhập máy của trung Quốc. Giá rẻ, chất lượng sản phẩm làm ra chấp nhận được, dễ dàng bảo dưỡng, dễ mua phụ tùng,... trong khi đó nhập hàng Tây giá cao, chất lượng thì cũng chưa biết thế nào, hỏng một phụ tùng nhỏ cỡ 1000$ có khi phải thuê chuyên gia sang sửa mất 10,000$. Có lẽ hiện nay chỉ có công ty nhà nước mới đòi hàng G7 (chủ yếu để trốn trách nhiệm), hoàn thành dự án, nghiệm thu là xong, còn việc vận hành sau này thì mặc kệ."
Một bạn khác lại nói " Đơn giản là ta cần gì TQ có ngay cái ấy. Hơn nữa đường vận chuyển nhanh, giá cả lúc cứng, lúc mềm, TQ lại không " hạnh họe" như các nước EU và Mỹ. Các nước như Mỹ và EU không biết họ có biết nền kinh tế VN đang khó thoát ra khỏi TQ vì những điều như thế hay không mà suốt ngày họ đưa ra điều luật nọ điều luật kia để phạt, để hạn chế xuất khẩu của VN?".
Chặng đường để nền kinh tế Việt Nam tự đứng vững trên đôi chân của mình có lẽ còn rất dài. Trước mắt việc phụ thuộc vào việc nhập hàng hóa từ Trung Quốc vẫn là việc bắt buộc đối với rất nhiều doanh nghiệp của chúng ta.