Nhập khẩu Việt Nam vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc- một thị trường khi trong 3 năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trung bình hàng năm khoảng 800 triệu USD, nhưng nhập khẩu tăng khoảng 3-3,5 tỷ USD/năm.
Riêng 8 tháng đầu năm 2014, giá trị nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc cao gần gấp 3 lần giá trị xuất khẩu sang quốc gia này.
Xuất khẩu tăng cao
Theo số liệu ước tính của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc trong 8 tháng đạt 9,79 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2013.
Xét về về giá trị, đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong 8 tháng vẫn là mặt hàng máy tính, linh kiện điện tử (đạt 1,26 tỷ USD), tiếp theo là dầu thô (960 triệu USD), gạo (gần 722 triệu USD). Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm khoảng 32% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam qua 8 tháng.
Kim ngạch nhóm hàng nông - lâm - thủy sản chiếm khoảng 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc, tiếp đến là khoáng sản chiếm tỷ trọng 20%; nhóm hàng hóa trung gian (như sợi, da, nguyên liệu giấy…) chiếm tỷ trọng 32,5%, còn lại là nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo.
Ước tính, trong 4 tháng còn lại của năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tiếp tục duy trì trong khoảng 1,25-1,3 tỷ USD/tháng. Do vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này năm 2014 hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đề ra là 15 tỷ USD.
Nhập khẩu không giảm
Tính đến hết tháng 8/2014, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc đã đạt khoảng hơn 27 tỷ USD, tăng gần 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái và gần gấp ba lần kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.
Việt Nam tiếp tục nhập siêu từ thị trường Trung Quốc, lên đến 17,26 tỷ USD, trung bình mỗi tháng nhập siêu là 2,16 tỷ USD từ Trung Quốc, gấp đôi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Xét về cơ cấu nhập khẩu trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc, 60% là hàng hóa trung gian, 20% là máy móc thiết bị và 20% còn lại là hàng tiêu dùng. Các hàng hóa trung gian nhập khẩu không phải chỉ phục vụ cho các doanh nghiệp FDI của Trung Quốc mà còn được sử dụng nhiều trong các doanh nghiệp của Việt Nam.
Trong các năm gần đây, Trung Quốc luôn là thị trường dẫn đầu trong nhóm thị trường nhập khẩu của Việt Nam và có xu hướng tăng rõ rệt kể từ năm 2010. Từ năm 2010 tới năm 2013, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc luôn chiếm khoảng 25-28% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước, cao nhất và cao hơn hẳn các nước và thị trường lớn khác (gấp 2,5 lần Nhật Bản, gấp gần 2 lần Hàn Quốc, cao hơn 20% so với thị trường ASEAN).
Dự kiến 4 tháng cuối năm, mỗi tháng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 3,32 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu trong năm 2014 sẽ chạm mốc 40 tỷ USD.
Tiềm ẩn rủi ro
Theo các chuyên gia kinh tế, một thực tế đã tồn tại nhiều năm qua là Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng nông sản, thủy sản, lúa gạo, khoáng sản tự nhiên sang Trung Quốc với giá rẻ sau đó nhập các sản phẩm đã qua chế biến và máy móc thiết bị từ Trng Quốc với giá cao.
TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương- cho biết, bên cạnh rủi ro tiềm ẩn là Việt Nam phụ thuộc sâu hơn vào thị trường Trung Quốc, việc các doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu sang Trung Quốc các hàng thô, sơ chế, có giá trị gia tăng thấp và nhập khẩu các hàng thành phẩm có giá trị gia tăng cao sẽ trì hoãn sự phát triển của công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, vấn đề thực sự của nhập siêu với Trung Quốc là nhập khẩu từ thị trường này đang trực tiếp phục vụ cho hoạt động sản xuất (bao hàm cả việc cung cấp công nghệ) của các doanh nghiệp Việt Nam. Chỉ 20% kim ngạch nhập khẩu là hàng tiêu dùng. Điều này tác động lâu dài đến khả năng nâng cấp công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam, dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
“Việt Nam đang đàm phán Hiệp định FTA với EU và tham gia đàm phán Hiệp định TPP. Đó là cơ hội cho chúng ta tìm kiếm các nhà cung cấp khác hay mời nhà đầu tư mới vào để làm công nghiệp phụ trợ. Yêu cầu của TPP, như xuất xứ nội khối của nguyên phụ liệu may, là sức ép để ta đưa nền kinh tế vào chu kỳ phát triển hợp lý hơn, tránh phụ thuộc vào một nền kinh tế cụ thể”- TS Lê Đăng Doanh cho biết
Xem thêm : Nguồn hàng Quảng Châu